Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10

CHI TIẾT TIN

Một tấm lòng khuyến học

Không ai ở Tiên Cẩm mà không biết đến anh. Anh không chỉ là một bí thư Chi bộ thôn, một chủ tịch hội Cựu chiến binh xã gương mẫu, nhiệt tình, đầy trách nhiệm mà còn là một thành viên Hội khuyến học xã hết lòng vì sự nghiệp giáo dục. Là người ngoài ngành giáo dục nhưng anh rất quan tâm đến hoạt động dạy - học ở các nhà trường. Bằng những việc làm “không giống ai” và rất riêng, anh có thêm nguồn lực để đóng góp cho công tác khuyến học ở địa phương, góp phần cùng cộng đồng chăm lo cho thế hệ trẻ trên con đường học vấn.

Anh chính là Phạm Văn Bình, hiện ở tại thôn Cẩm Trung, xã Tiên Cẩm, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Anh được mọi người trân trọng, quý mến, đánh giá cao như là một gương sáng điển hình về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Anh Bình trao học bổng cho học sinh trường THCS Nguyễn Du năm học 2013 - 2014

Anh Bình sinh năm 1960 tại một vùng quê chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự hủy diệt của chiến tranh, trong một gia đình nông dân nghèo có truyền thống cách mạng, gồm có cha mẹ và ba anh em. Anh mồ côi cha ngay từ lúc 3 tuổi, lớn lên từ vòng tay yêu thương của mẹ, của các anh chị du kích, của các cô chú bộ đội để vượt qua những ngày tháng trụ bám gian khổ, thiếu cơm, lạt muối, không được học hành trong những năm chiến tranh ác liệt, chống Mỹ cứu nước.

 Giữa năm 1970, một lần, một mình đi bẫy chim và hái rau rừng, anh bị giặc Mỹ bắt đưa lên trực thăng chở về căn cứ Núi Ngang. Trốn khỏi trại giặc, anh bơ vơ nơi vùng địch tạm chiếm, phải đi ở giữ trâu kiếm sống qua ngày. Sau ngày giải phóng, trở lại quê nhà, trong niềm vui chung được gặp lại mẹ, các anh và bà con chòm xóm thân thương, có niềm vui rất riêng mà anh chẳng thể nào quên, đó là đúng cái tuổi 16 “lớn ngồng”, lần đầu tiên mới được chính thức đến trường, đến lớp. Năm 1979, anh vinh dự được gia nhập quân ngũ, làm anh bộ đội cụ Hồ.

 Những nỗi đau của quê hương, mất mát của gia đình, những tháng ngày cơ cực của tuổi thơ trong chiến tranh, và nay được rèn luyện trong môi trường quân đội, học tập những phẩm chất đạo đức cao quý của Bác Hồ, tất cả đã cho anh nghị lực phi thường, trái tim khát khao yêu thương, chia sẻ, đặc biệt đối với trẻ em nghèo, thiếu học như để bù đắp lại phần nào tuổi thơ bất hạnh của mình. Từ đó, anh đã tích cực tham gia đóng góp cho phong trào giáo dục xã nhà, đặc biệt công tác khuyến học với mong ước con em địa phương mình vượt khó, học giỏi, tiến bộ và thành đạt. Và chính việc ấy, làm cho anh cảm thấy cuộc sống này có ý nghĩa hơn.

Được hướng dẫn, tổ chức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 06, Chỉ thị 03 và nay là Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, anh Bình càng có ý thức và hiểu rõ hơn một người như anh phải làm gì, làm như thế nào để học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người. Anh đã hiểu “... học tập tư tưởng và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bao gồm cả việc học tập và làm theo tác phong, phong cách của Bác, thể hiện cụ thể trong công việc hằng ngày, ... qua những hành vi thiết thực, cụ thể…”.

 Tinh thần ấy cùng với tấm lòng yêu thương con trẻ và nỗ lực vượt qua những khó khăn của gia đình, anh đã tham gia công tác khuyến học rất nhiệt tình bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và hoàn toàn tự nguyện, chẳng bao giờ đòi hỏi một chút quyền lợi gì cho riêng mình như lời Bác dạy: “Việc gì có lợi cho dân thì dù nhỏ cũng cố làm, việc gì có hại cho dân dù nhỏ cũng cố tránh”. Việc đầu tiên, anh tiết kiệm hằng tháng từ tiền lương ít ỏi của mình và tích cóp thêm từ nguồn thu gom giấy vụn, kể cả ve chai ở giỏ rác của các cơ quan, ban ngành xã. Cuối năm học 2011- 2012, anh có được khoảng 1.800.000 đồng, thế là có thêm những phần thưởng khích lệ cho các em tiểu học, trung học cơ sở vượt khó học giỏi, các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Được sự đồng tình ủng hộ của vợ, hai con và của mọi người, anh không dừng lại ở đó, anh đã có một sáng kiến: "bán cà phê gây quỹ khuyến học". Thế là, anh tổ chức dịch vụ “Cà phê thư giãn” còn gọi là “cà phê khuyến học” đặt tại các cơ quan, trường học trong địa bàn xã để có thêm nguồn kinh phí giúp học sinh vượt khó học tập. Ban đầu, bằng số tiền tiết kiệm ít ỏi của cá nhân, anh đã đầu tư đóng tủ, thùng đựng tiền, mua cà phê, trà, nước... Cách làm của anh là để cà phê, trà, nước và các sản phẩm giải khát trong tủ và đặt tại văn phòng cơ quan Đảng ủy xã. Khách tự pha chế cà phê, trà nước và cũng tự giác bỏ tiền vào thùng theo giá đã niêm yết như bỏ vào hòm quyên góp. Hằng tháng, anh Bình bổ sung sản phẩm và thu tiền, những đồng tiền lãi không nhiều nhưng thật giá trị, vì tất cả cho khuyến học, khuyến tài. Rất nhanh chóng, cà phê khuyến học của anh đã được được đông đảo các anh chị, cô chú ở cơ quan, thầy cô giáo ở các trường học hưởng ứng và ủng hộ nhiệt tình. Mọi người ủng hộ cà phê của anh bởi hai lẽ: Thứ nhất là sự tiện lợi của nó, không chỉ uống buổi sáng mà tranh thủ lúc giải lao tại cơ quan cũng có thể thưởng thức cà phê. Tại đây, cán bộ công chức, viên chức khỏi phải mất thời gian nơi quán xá, ảnh hưởng đến công việc; còn có điều kiện để thư giản, chuyện trò, đôi lúc lại là điều kiện thuận lợi để trao đổi thêm công việc. Thứ hai là khi uống một ly cà phê, hay một thức uống khác, mọi người đã tự nguyện đóng góp 500 đồng vào quỹ khuyến học của địa phương.

Có thể nói đây là một kiểu “kinh doanh” đặc biệt sáng tạo, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tình yêu thương bao la đối với học sinh. Anh Bình thường tâm sự: “Thế hệ của tôi đã chịu cực, chịu khổ nhiều rồi. Thế hệ trẻ bây giờ phải được học hành để thay đổi cuộc sống. Nghĩ vậy nên tôi muốn giúp đỡ các cháu để thực hiện ước mơ của mình sau này xây dựng quê hương, đất nước”.

Sau bước khởi đầu thành công, anh mở rộng phạm vi “kinh doanh” sang trường THCS Nguyễn Du. Tại đây, anh được các thầy cô giáo và học sinh nhà trường ủng hộ rất nhiệt tình. Thấy việc làm ý nghĩa, nhiều người còn bỏ thêm tiền vào thùng. Việc làm của anh đang rất thuận buồm xuôi gió. Anh dự định sẽ nhân rộng mô hình này ra một số cơ quan, đơn vị khác.

Tính từ năm 2012 đến nay, với trên 7,4 triệu đồng thu được từ sự vận động đóng góp của người thân, người quen và khoản tiền "lãi" từ việc bán cà phê, anh Bình dành toàn bộ số tiền này để trao học bổng và giải thưởng cho học sinh nghèo vượt khó học tập ở địa phương vào cuối năm học, với mỗi suất từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng. Đối với nhiều người, số tiền này có thể không lớn, nhưng điều lớn lao mà ai cũng phải thừa nhận đó là tấm lòng của một cựu chiến binh đối với công tác khuyến học nói riêng, sự nghiệp giáo dục nói chung.

Việc làm ý nghĩa của anh đã được nhiều người, nhiều nơi biết đến và ca ngợi. Báo Quảng Nam số ra ngày 19/02/2014 đã có bài viết về “Cà phê khuyến học” của anh.

Như để khẳng định những đóng góp đối với công tác khuyến học tại địa phương, ông Nguyễn Lương Xu - Chủ tịch Hội Khuyến học xã cho biết: “Những đóng góp của anh Phạm Văn Bình đã làm phong phú thêm các hoạt động khuyến học của địa phương, thực sự góp phần cổ vũ tinh thần chăm lo giáo dục của cộng đồng, khích lệ tinh thần vượt khó học giỏi trong học sinh, ươm mầm tài năng cho quê hương, đất nước…”.

Ngoài việc đóng góp cho phong trào khuyến học của xã, anh Phạm Văn Bình còn hiến tặng cho trường THCS Nguyễn Du 580 m² đất thổ liền kề phía sau để làm vườn trường, 1 bộ ghế đá cho trường chuẩn quốc gia tiểu học Tiên Cẩm; hỗ trợ cho trường Nguyễn Du 3,7 triệu đồng để làm nền xi măng nhà xe học sinh, góp phần hoàn thiện công trình do hội phụ huynh xây dựng. Là bí thư chi bộ thôn, anh đi đầu hiến đất để làm đường bê tông giao thông nông thôn; vận động bà con đang làm ăn xa được 13.200.000 đồng để mua sắm máy móc âm thanh, tu sửa bàn ghế cho nhà sinh hoạt văn hóa thôn. Có thể nói tinh thần trách nhiệm, tính gương mẫu, và tấm lòng chân thành, trong sáng của anh đã giúp anh dễ dàng nhận được sự tin tưởng và hết lòng ủng hộ của mọi người. Gần đây, trong lúc phải lo cho các con sang Nhật Bản học tập và lao động nhưng anh cũng đã góp cho quỹ hội Khuyến học xã, khuyến học thôn 2.000.000 đồng.

Ngoài việc tạo nguồn quỹ từ ly “cà phê khuyến học”, anh Bình còn được biết đến bởi những việc làm ý nghĩa khác như đặt các thùng quyên góp ở cơ quan, quán ăn và đều đặn đi thu gom giấy rác, chai nhựa, … Anh tâm sự: “Tôi không sợ bị cho là hâm hay làm nổi. Tôi không phải là đại gia có nhiều tiền. Tôi kiếm những đồng tiền nhỏ từ những thứ đã bỏ đi, vừa bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm, vừa có ý nghĩa xã hội. Tôi nguyện sẽ tiếp tục làm công việc khuyến học khuyến tài cho đến khi không thể làm được nữa”. Việc làm của anh lại được mọi người khen ngợi, ủng hộ.

Đối với nhiệm vụ được phân công, từ một công an viên rồi đến phó xã đội, xã đội trưởng, phó chủ tịch HĐND, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, rồi hiện nay là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, ở đâu, lúc nào anh Bình cũng luôn tỏa sáng tinh thần trách nhiệm, làm việc với cái tâm trong sáng, lòng nhiệt thành và luôn gương mẫu hoàn thành nhiệm vụ được giao.

 Những cống hiến của anh đã được xã hội tôn vinh. Anh được Tỉnh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) khen thưởng là đoàn viên ưu tú hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi còn trong quân đội. Năm 2012, anh là cá nhân được vinh danh tại Lễ kỷ niệm 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam của huyện Tiên Phước với những đóng góp xuất sắc cho phong trào giáo dục địa phương. Năm 2013, anh được Đảng ủy xã Tiên Cẩm khen thưởng cá nhân điển hình, tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ngoài ra anh còn nhận được nhiều bằng khen, giấy khen khác nữa. Đặc biệt, có một phần thưởng cao quý hơn cho anh, đó là hình ảnh anh Phạm Văn Bình đang ở trong lòng mến mộ của nhiều người dân Tiên Cẩm quê hương chúng tôi.

Anh Bình còn là một người rất điềm đạm, tự nhiên, vui tính và hòa đồng. Không những thế, anh còn là một “cây văn nghệ” rất … nghiệp dư. Cuộc vui nào có anh là mọi người lại được dịp thưởng thức một giọng ca, điệu nhảy hết mình. Anh hát không hay và nhảy cũng không đẹp nhưng có lẽ không ai để ý đến điều đó, cái quan trọng là sự nhiệt tình của anh, và sự nhiệt tình đó đã làm nên một Phạm Văn Bình chân tình, dễ mến, đầy nhiệt huyết và luôn sống vì mọi người.

Xin được mạo muội viết về anh để thấy rằng: Những việc làm của anh và con người anh là một sự đồng điệu của tấm lòng yêu thương, ân tình, đầy trách nhiệm đối với con người, đối với xã hội. Học và làm theo gương Bác, cái cụ thể nhất, thiết thực nhất với anh chính là ở tấm lòng khuyến học với mong muốn duy nhất là các em sẽ vượt qua khó khăn để học tốt, vươn tới đỉnh cao của “tâm và tài” để lập thân lập nghiệp, xây dựng quê hương đất nước. Giá trị lớn lao qua những đóng góp của anh không phải chỉ là vật chất mà là giá trị của tinh thần và sự lan tỏa, tiếp nối tình yêu thương bao la của Bác Hồ. Anh là một bông hoa lung linh, ngát hương trong vườn hoa người tốt, việc tốt. Đâu đó còn có những con người ích kỷ, thờ ơ, vô cảm đối với cuộc sống yêu thương này hẳn sẽ phải suy ngẫm và nhìn lại chính mình.

Khi chúng tôi đặt vấn đề giới thiệu tấm gương của anh đến với mọi người, anh Bình khiêm tốn nói:“Việc làm của tôi cũng không có gì to lớn cả. Tôi chỉ muốn góp một phần nhỏ bé của mình để giúp đỡ các em học sinh nghèo. Thực lòng mà nói thì tôi cũng không muốn khoe khoang, hay làm để lấy tiếng”.

 Anh Phạm Văn Bình thật sự là một trong những gương điển hình tiêu biểu về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh./.

Tác giả: Đạo Hữu - Kim Lam

Nguồn tin: Bản tin Ban Tuyên giáo HU

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

THÔNG BÁO


THĂM DÒ Ý KIẾN


Xin bạn cho ý kiến về cổng thông tin của chúng tôi ?



Kết quả bình chọn

Xin bạn cho ý kiến về cổng thông tin của chúng tôi ?

Bình thường
 
0%
0 Phiếu
Đẹp, tiện lợi tra cứu
 
0%
0 Phiếu
Cần chỉnh sửa thêm
 
100%
1 Phiếu
Tổng cộng: 1 Phiếu
X

LIÊN KẾT WEBSITE

DỰ BÁO THỜI TIẾT

Error An error has occurred.
Error: DỰ BÁO THỜI TIẾT is currently unavailable.

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ TIÊN LẬP - HUYỆN TIÊN PHƯỚC
Địa chỉ : Xã Tiên Lập - Huyện Tiên Phước - Quảng Nam
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Tổng số lượt truy cập